Tìm Hiểu Tượng Đài Đức Mẹ Măng Đen
Đức Mẹ Măng Đen - Giáo phận Kon Tum
2019-12-13T11:02:22+08:00
2019-12-13T11:02:22+08:00
https://xn--cmmngen-b4a6jg1264fnqa.vn/about/tim-hieu-tuong-dai-duc-me-mang-den.html
https://xn--cmmngen-b4a6jg1264fnqa.vn/uploads/about/dsc00016.jpg
Đức Mẹ Măng Đen - Giáo phận Kon Tum
https://xn--cmmngen-b4a6jg1264fnqa.vn/uploads/duc-me-mang-den-logo.jpg
Tìm Hiểu Tượng Đài Đức Mẹ Măng Đen
Theo tư liệu của Tòa Giám Mục, một tượng đài thô sơ, vững chắc, không mái che, đã được xây dựng trên một triền núi tại Măng Đen vào mùa Vọng năm 1971. Đứng trên tượng đài là một pho tượng Đức Mẹ Fatima có tràng hạt giăng trên hai bàn tay. Vào dịp lễ Thánh Gia Thất sau Noen năm ấy Đức Cha Phaolô Seitz Kim, Giám Mục Kontum, đã tới cử hành thánh lễ tại đây. Năm 1974 chiến sự đã biến vùng đồi núi này thành chốn hoang tàn, rất ít thấy bóng người lai vãng. Pho tượng vẫn đứng cô đơn trên tượng đài giữa cánh rừng hoang vắng. Điều đáng nói là pho tượng, vẫn nguyên vẹn, đã được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1983 bởi một đôi vợ chồng bên lương, nhưng họ chưa quan tâm nhiều và chưa có sự ứng xử cụ thể nào đối với pho tượng.
Một dấu hiệu của Ðức Mẹ đã được tiết lộ để con cái khắp nơi tìm đến với Mẹ. Khởi đi từ một câu chuyện được truyền tụng hơn 35 năm qua, để ngày nay khu vực Tượng Ðức Mẹ Măng Ðen đang được giáo quyền Kontum lưu tâm đến.
Chuyện bắt đầu với thời gian chiến cuộc trước biến cố 1975. Tại một khu đất thoai thoải trong khu rừng Măng Ðen có một đại đội Ðịa phương quân của Việt Nam Cộng Hòa đồn trú. Cạnh khu trại đó, trên một trụ xi măng có sẵn lâu đời, một tượng Ðức Mẹ cao cỡ 1m2 cũng làm bằng xi măng đứng hiển trị trong khung cảnh u tịch, không biết do ai xây lên. Như là một chuyện bình thường trong thời chiến, đơn vị này đi rồi đơn vị khác đến, không ai quan tâm hoặc xin ơn gì với Mẹ. Thế rồi bom đạn bao lần dội xuống khu vực quân sự này và tàn phá một phần tượng Mẹ. Phần đầu và hai tay của tượng bị hư hại nặng nhưng không ai để ý làm gì.
Sau biến cố tang thương 1975, dân các nơi bắt đầu tuôn về vùng Măng Ðen kiếm đất làm ăn, biến nơi đây thành một vùng làm rẫy. Hằng ngày từng đoàn người vô tình đi qua lại trước tượng Mẹ mất đầu mất tay. Người đạo Phật thì coi đó là hình ảnh của Phật Bà, người theo đạo Chúa thì nhận đó là Ðức Mẹ. Nhưng chẳng ai bận tâm, vì còn phải lo chạy bữa cho gia đình. Khoảng năm 1978, có một việc xảy ra tạo nên một tin đồn không những trong vùng Măng Ðen mà còn lan xuống đến cả vùng tỉnh Bình Ðịnh. Số là một cán bộ Cộng sản nằm mơ thấy một bà đẹp hiện ra nhưng thân hình của bà lại không có đầu và hai tay, nhưng vì vô tín ngưỡng anh ta không để ý làm gì.
Lại một hôm khác trong dịp về thăm gia đình tại Bình Ðịnh, anh lại thấy bà đẹp ấy trong một giấc mơ khác, cũng với một hình tượng cụt đầu và thiếu hai tay. Nhưng trong giấc mơ kỳ lạ lần này người cán bộ Cộng sản còn nghe cả tiếng nói từ bà đẹp phán ra: “Ta muốn con phục hồi thân thể ta cho đầy đủ với đầu và hai tay.” Người cán bộ Cộng sản và cả gia đình anh tuy vô thần nhưng cảm thấy sợ hãi trước lệnh truyền huyền bí này. Anh liền trở lại Kontum và tự mình đúc hình một chiếc đầu phụ nữ bằng xi măng và tháp chiếc đầu vào bức tượng lạ. Còn đôi bàn tay của bức tượng, vì nghĩ rằng mình không có khả năng mỹ thuật để làm cho đẹp nên anh chỉ quấn lại bằng vải thô, với ý định sau này sẽ thực hiện bằng xi măng nếu có điều kiện. Qua thời gian vải quấn nơi tay bị mục nát, tượng lại được người khác tiếp tục quấn thêm vải mới đủ màu theo ý thích của mỗi người. Riêng anh cán bộ sau đó vì công vụ nên phải đi xa và không thấy trở về địa phương Măng Ðen nữa. Nghe kể lại, trước khi đi xa anh đã tự mình sơn phết lại toàn thân tượng, nhất là trên khuôn mặt của bức tượng anh tự sơn theo sự suy diễn của riêng mình. Anh cho rằng đây phải là khuôn mặt của một phụ nữ sợ hãi khi bị bom đạn tàn phá. Ngày nay bất cứ ai đi qua và nhìn lên bức tượng đều thấy khuôn mặt của tượng có đôi mắt mở thật lớn, nhất là đôi tròng đen được vẽ lớn hơn nên càng biểu lộ nét hoảng hốt và lo âu.
Khuôn mặt Ðức Mẹ hốt hoảng qua việc tái tạo do người cán bộ Cộng sản thực hiện.Vẫn còn thiếu hai tay của Mẹ.
Trong khi đó, khoảng giữa năm 1978-1980, dân chúng đến lập nghiệp tại vùng Măng Ðen càng ngày càng đông. Người dân tộc và người kinh cùng hòa đồng với nhau để tạo dựng đời sống trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Và vì nhu cầu khai khẩn đất làm rẫy, chính quyền bắt đầu khai quang vùng Măng Ðen để giúp dân lập nghiệp. Một chiếc xe ủi đất theo chỉ thị cấp trên đã đến để phóng một con đường vào khu vực rẫy. Khi ủi đất, người tài xế có ý định triệt hạ luôn cột trụ có bức tượng của Ðức Mẹ khi đó vẫn chưa có đầu và hai bàn tay. Nhưng sao lạ quá, anh ta tuy muốn húc bửng xe vào cột trụ cho sập nhưng không sao điều khiển được tay lái để xe đi tới gần cột trụ được. Cuối cùng, người tài xế không thực hiện được lệnh trên nên đã ủi đất làm đường lệch đi, và dần dà không ai nhắc đến chuyện lạ này nữa, tuy rằng hằng ngày người dân vẫn di chuyển qua lại trước bức tượng. Sau này nghe kể lại, cũng có vài người tò mò dừng lại chứng kiến hiện tượng lạ và truyền miệng với nhau một thời gian, nhưng sau đó nghe nói chính quyền ra lệnh cấm đồn đãi tin đồn này.
Từ sau năm 2000, khi chính quyền không còn để ý đến lời đồn thổi về bức tượng nữa -- mà người địa phương gọi là ‘tượng bà lạ’ trước khi được đổi tên thành tượng “Ðức Mẹ Măng Ðen” như hôm nay -- thỉnh thoảng người ta thấy có một nhóm người thỉnh thoảng đến với tượng bà lạ. Dần dà ai cũng nhận diện ra nhóm nhỏ này không phải là dân cư quanh vùng Măng Ðen, nhưng từ địa phương khác đến. Ban đầu những người thuộc nhóm nhỏ đến như khách du lịch, sau đó thấy động tĩnh không có gì đáng ngại nên bắt đầu tổ chức đọc kinh. Dần dần có cả người kinh lẫn người thượng cùng đến gia nhập mỗi khi có nhóm nhỏ xuất hiện, nhất là các thanh niên dân tộc lại thích đến với nhóm nhỏ để nhận được những thực phẩm khô của nhóm hành hương mang đến phân phát miễn phí. Cứ thế, trong khoảng 10 năm đổ lại đây, một phong trào hành hương gồm vài chục người từ các nơi xa đến cầu nguyện đã hình thành.
Thực sự chính quyền địa phương có biết nhưng không hiểu vì sao họ không cấm cản một cách triệt để như trước kia, thậm chí họ còn làm ngơ trong một số trường hợp cho nhóm hành hương được dễ dàng lui tới. Dân địa phương, nhất là bà con dân tộc, lại tỏ ra phấn khởi hơn và thường đến tham gia suốt buổi với nhóm hành hương. Có lẽ chính quyền thấy ít ra trong lúc này không cần thiết phải cấm cản làm gì, vì dù sao họ thấy người dân địa phương nhiều lần cũng đã nhận được một số thực phẩm của khách hành hương. Duy có một điều là nhân viên của Ủy ban Xã có vài lần đến và cho nhóm hành hương biết là không được dùng hệ thống âm thanh trong lúc hành hương. Ngoài ra họ không cấm đoán gì thêm. Người theo đạo Công giáo thì nói đó là sự can thiệp của Ðức Mẹ, và thường xuyên đến cầu nguyện kể cả những khi đoàn hành hương không hiện diện. Cũng đã có nhiều lời đồn thổi về những ơn lạ, mà theo người hành hương Công giáo gọi là phép lạ Ðức Mẹ làm, còn những người ngoại giáo thì gọi là điềm lạ. Nhưng cũng theo lời truyền khẩu, thì những người hành hương ngoại giáo lại nhận được ơn lạ nhiều hơn người Công giáo. Dần dà, những ơn lạ được truyền miệng nhiều hơn sau những chuyến hành hương, càng ngày càng lôi cuốn thêm nhiều đoàn người từ phương xa đến.
Thậm chí nhiều Việt kiều về thăm quê nghe tin cũng tìm đến cầu nguyện xin ơn. Nhờ đó, khu vực tượng Ðức Mẹ Măng Ðen ngày nay đã có được một mặt bằng với vài công trình thô sơ xây cất xung quanh tượng Mẹ, nhờ tiền dâng cúng của khách hành hương quyên góp, tuy khiêm nhường nhưng cũng giúp hình thành thêm những tiện nghi khác trong tương lai.
Cũng theo Cha Phan Văn Bình, có một điều đã ghi nhận được từ phía giáo quyền Công giáo tỉnh Kontum liên quan đến khu Tượng Ðại Ðức Mẹ Măng Ðen. Ðó là trong một hai năm vừa qua tòa Giám mục Kontum đã gửi đơn đến chính quyền địa phương để xin phép tu bổ lại khu vực nơi có tượng Ðức Mẹ. Trước mắt, giáo quyền mong muốn chính quyền chấp thuận cho phép mua thêm 2 mẫu đất gần tượng Ðức Mẹ để khởi công xây dựng vài công trình cơ bản. Cha Bình cho biết, ngoài lời cầu nguyện, giáo quyền cần nhiều kiên nhẫn và sẽ phải trải qua nhiều thử thách, vì hiện tại theo tin tức nhận được thì Bộ Tài chánh và Du lịch của nhà nước Việt Nam đã đưa ra dự án khoanh vùng Măng Ðen để xây dựng một trung tâm du lịch, như đã ghi ở trên.
Chúng ta, những tín hữu Việt Nam tại quê nhà hay hải ngoại với truyền thống tôn sùng Ðức Mẹ cách sâu đậm, hãy tiếp tục chạy đến với Ðức Mẹ-- không nhất thiết Mẹ phải mang tước hiệu Mẹ Măng Ðen hay Mẹ La Vang, -- để xin Mẹ gìn giữ và che chở cho Giáo hội Việt Nam và an ủi giáo dân Việt Nam đang đau khổ dưới ách thống trị của một nhà cầm quyền vô thần. Còn việc giáo quyền Kontum xin tu bổ khu vực Ðức Mẹ Măng Ðen có được chính quyền chấp thuận hay không, tuy cần thiết nhưng không phải là điều chính yếu. Chúng ta cứ tin rằng, nếu đẹp lòng Ðức Mẹ thì mọi chuyện ắt sẽ xảy ra như ý Mẹ, hầu tạo thêm một vinh quang nữa trên triều thiên của Mẹ.
Nói thêm về Đức Mẹ Măng Đen.
Theo tài liệu của Tòa Giám Mục, một tượng đài thô sơ, vững chắc, không mái che, đã được xây dựng trên một triền núi tại Măng Đen vào mùa Vọng năm 1971. Đứng trên tượng đài là một pho tượng Đức Mẹ Fatima có tràng hạt giăng trên hai bàn tay. Vào dịp lễ Thánh Gia Thất sau Noel năm ấy Đức Cha Phaolô Seitz Kim, Giám Mục Kontum, đã tới cử hành thánh lễ tại đây.
Năm 1974, chiến sự đã biến vùng đồi núi này thành chốn hoang tàn. Pho tượng vẫn đứng cô đơn trên tượng đài nhưng không còn nguyên vẹn.
Mãi đến ngày 28-12-2006 phái đoàn do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh dẫn đầu đã đến kính viếng Đức Mẹ Măng Đen lần đầu tiên.
Ngày 09-12-2007, Đức Giám Mục Giáo Phận cùng các linh mục, tu sĩ, và hơn 2.000 thường dân (cả giáo lẫn lương, cả Kinh lẫn Thuợng) đã dâng thánh lễ long trọng kính Đức Mẹ tại đây. Huấn từ ngắn gọn của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, có thể coi như sự xác định mục đích và ý nghĩa của trung tâm hành hương mà ngài muốn lập tại đây: “Hãy cầu nguyện với Mẹ, nhất là xin Mẹ được ơn sai đi đến với mọi người chung quanh mình, nhất là anh chị em dân tộc bằng đời sống yêu thương phục vụ như Thư Chung (2006) của HĐGMVN mời gọi”. Đó là định hướng thừa sai, truyền giáo, đem ơn lành và tinh thần của Đức Mẹ Măng Đen đến cho mọi người chung quanh mình, ưu tiên cho anh chị em dân tộc, và mở rộng tầm nhìn tới những ai bị gạt ra bên lề, như những người khuyết tật, những bệnh nhân phung cùi, bệnh nhân Aids-Siđa và biết bao người bất hạnh khác.
Sự xấu xí của pho tượng cụt tay là yếu tố độc đáo, độc nhất vô nhị, biểu lộ sức thiêng phi thường của pho tượng Đức Mẹ Măng Đen, mà người ta không tìm thấy ở bất cứ trung tâm Thánh Mẫu nào khác.
Hai bàn tay của Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thập Giá, theo logic nhân loại, là đã mất hết khả năng hành động, thì theo cách hiểu sâu sắc của thánh Gioan, đó lại là lúc Người chứng tỏ mình là “Đấng Hằng Hữu” hợp nhất với Chúa Cha Hằng Hữu (x. Ga 8,28) và có khả năng “lôi kéo mọi người lên với mình” (Ga 12,32).
Tượng Đức Mẹ Măng Đen Cụt Tay có thể được xem như một minh họa đặc biệt của Đức Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân Thánh Giá. Điều gây ngỡ ngàng là hai bàn tay cụt mà rất “thiêng”. Điều này được minh chứng bởi số lượng ngày càng tăng các tấm bia tạ ơn và các đoàn hành hương đến từ nhiều miền của đất nước để cầu nguyện với Mẹ.
Vì thế, tượng Đức Mẹ Cụt Tay thể hiện quyền lực cụ thể và đầy ấn tượng về sự thông dự của Đức Maria, người Nữ Tỳ Khiêm Hạ và Đau Khổ của Thiên Chúa, vào mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Kitô.
Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay biểu lộ cách thiết thực và hữu hiệu sự đồng cảm sâu sắc của Đức Maria với những người đang mang trên thân xác và trong tâm hồn mình dấu vết của Chúa Cứu Thế nơi Thập Giá;
Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay gửi đi một sứ điệp thống thiết mời gọi mọi khách hành hương hãy cùng với Đức Maria hiệp thông và chia sẻ: chia sẻ tình người và tình Chúa, thực hiện công cuộc Phúc Âm hóa, loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, khởi đi từ đồi núi Măng Đen xa xôi, hẻo lánh, và từ cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên bao la…